Tin tức

Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên cùng TPP và AEC

Cả Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang tạo ra những tác động lớn đến lĩnh vực BĐS công nghiệp.

Tóm tắt

Chỉ trong 10 tháng năm 2015, nhiều doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới đã “ồ ạt” chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, mà trước hết là Tp.HCM – nơi có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển rất sôi động.

Thị trường BĐS của chúng ta sẽ rất đông vui bởi có sự hiện diện của rất nhiều nhà đầu tư FDI, cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có mỗi điều kiện về lao động, trong khi đối tác ngoại có năng lực tài chính và công nghệ nên lợi nhuận sẽ “chảy” vào tay họ rất mạnh


Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Tp.HCM (HBA), trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, đã nhấn mạnh rằng đúng là Hiệp định TPP sẽ mở đường phát triển mới cho BĐS công nghiệp. Điều này minh chứng cho thấy, chỉ trong 10 tháng năm 2015, nhiều doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới đã “ồ ạt” chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, mà trước hết là Tp.HCM – nơi có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển rất sôi động.

“TPP vẫn còn khá sớm để có thể tạo nên những tác động mạnh mang tính tích cực vì còn phải mất khá nhiều thời gian để các nước thành viên phê chuẩn. Nhưng, nếu về tầm nhìn dài hạn thì TPP sẽ mang lại cú hích cực lớn cho BĐS công nghiệp. Chúng tôi hiện nay cũng đang có những chiến lược để thay đổi nhằm làm thế nào để giữ chân được những nhà đầu tư ngoại”, ông Bé nói.

Cũng theo ông Bé, sự bùng nổ dự án khu công nghiệp trong thời gian gần đây là do kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng, trong khi đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn này.

Thực vậy, ngoài việc các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đang được lấp đầy gần như 100%, gồm nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore, Đài Loan… thì một số nhà đầu tư cũng mạnh dạn rót vốn để thành lập những khu công nghiệp lớn như của Amata Thái Lan. Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam trong thời gian tới…

Theo dự báo của ông Bé, nhu cầu tìm kiếm và xây dựng các xưởng, nhà máy sản xuất sẽ tăng cao trong những năm tới. Hiện tại, khu vực phía Nam được đánh giá là khu vực tiềm năng nhất cho việc đầu tư phân khúc nhà xưởng. Các khu công nghiệp có quỹ đất trống lớn để xây nhà xưởng sản xuất vẫn luôn thu hút được sự chú ý của các chủ doanh nghiệp nước ngoài và sự kiện TPP vừa qua sẽ càng kích cầu đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, các chủ phân xưởng cũng có những dự định mở rộng và xây mới nhà xưởng trong đầu năm 2016 để đón đầu nhu cầu tăng cao của phân khúc này trong tương lai. Hệ thống hạ tầng của một số khu công nghiệp hiện đang trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như khu công nghiệp Hiệp Phước của Tp.HCM đang tăng tốc đầu tư mở rộng khu cảng cho tàu nước sâu, hai tuyến đường dẫn vào cảng đang được nâng cấp...

Theo chân một đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản tham quan trực tiếp tại KCN Tân Bình và Vĩnh Lộc 2 mới đây, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng với sự chuẩn bị như thế của các KCN Việt Nam hiện nay sẽ là động lực rất tốt để họ cảm thấy yên tâm hơn cũng như khá hài lòng để đầu tư dự án vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bé, trong giai đoạn thâm nhập thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh, điều các nhà đầu tư trong hay ngoài nước quan ngại nhất là quỹ đất sạch để họ có thể triển khai ngay dự án. Thứ hai, các chính sách về thuê đất, định giá đất, nộp tiền sử dụng đất cần phải được thay đổi theo hướng nhanh gọn, dễ hiểu để rút ngắn thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp đến thuê đất làm nhà xưởng.

Trước hết là tận dụng lợi thế của một quốc gia quan trọng trong khối AEC đi vào hoạt động vào cuối năm này thì chính quyền địa phương và bản thân doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị bước vào một sân chơi khu vực, từ đó mới chuẩn bị các bước tiếp theo để đón đầu cơ hội TPP.

“Một thị trường với 700-800 triệu dân sẽ mở rộng trong thời gian tới của 10 nước ASEAN và 12 nước theo chiều dọc khối TPP. Thị trường BĐS của chúng ta sẽ rất đông vui bởi có sự hiện diện của rất nhiều nhà đầu tư FDI, cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có mỗi điều kiện về lao động, trong khi đối tác ngoại có năng lực tài chính và công nghệ nên lợi nhuận sẽ “chảy” vào tay họ rất mạnh”, ông Bé nói thêm.

Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có động thái chuẩn bị, chiến lược cạnh tranh, liên kết tốt sẽ dễ bị thua ngay trên chính sân chơi của chúng ta. Trên một thị trường chung như vậy, chúng ta phải hiểu thật rõ luật chơi ra sao, hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của các nước và đặc biệt phải hiểu rõ cả về văn hóa kinh doanh của từng quốc gia thành viên thì mới có thể hợp tác giao thương hiệu quả hơn.

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên cùng TPP và AEC

Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên cùng TPP và AEC

Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên cùng TPP và AEC

Bất động sản công nghiệp đang “nóng” lên cùng TPP và AEC